Đại học 4.0
Thứ Tư, 9/6/2021 17:38'(GMT+7)

Chú trọng chuyển đổi số trong xây dựng xã hội học tập

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là nội dung nhất quán và xuyên suốt trong quan điểm của Đảng ta. Ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Sau 10 năm tổng kết triển khai thực hiện, ngày 10/5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW.

Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”; “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”...

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế: “Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động”; “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo”; Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động”.

Học tập suốt đời được coi là mục tiêu phát triển giáo dục của nhiều quốc gia nhằm nâng cao nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự gắn kết xã hội, duy trì và cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đã và đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, định hướng và đòi hỏi xây dựng xã hội học tập cũng phải có sự thích ứng phù hợp.

Thời gian qua, để xây dựng xã hội học tập, công tác tuyên truyền được triển khai tích cực ở một số bộ, ngành và địa phương. Hình thức và nội dung tuyên truyền khá phong phú, huy động được sự tham gia tích cực của toàn xã hội góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài trong cả nước đi vào chiều sâu và thực chất. Nhiều địa phương đã gắn công tác khuyến học, khuyến tài với phong trào xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, với cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa.

Các địa phương đã quan tâm củng cố, phát triển hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục thực hiện việc học tập suốt đời cho mọi người, trong đó, nòng cốt là các cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động. Số lượng các cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là các trung tâm tin học, ngoại ngữ, đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá.

Các cơ sở giáo dục đại học đã quan tâm phát triển công nghệ đào tạo qua mạng, đầu tư hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập và phòng studio để xây dựng học liệu số; thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị những kỹ năng cần thiết để triển khai đào tạo qua mạng cho cán bộ quản lý, giảng viên; liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh để mở các chương trình đào tạo từ xa cấp chứng chỉ, chương trình phổ biến kiến thức góp phần đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng.

Các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá phù hợp với việc học tập của người lớn tuổi; ban hành chính sách hỗ trợ học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chính sách để huy động người mù chữ ra học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, chính sách cho người dạy và người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN GIẢI QUYẾT

Xây dựng xã hội học tập đang là xu thế tất yếu và mang tính thời đại sâu sắc. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết.

Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng và đầy đủ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm.

Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Hoạt động của nhiều trung tâm học tập cộng đồng còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dân, nội dung nghèo nàn, thiếu hấp dẫn.

Số người mù chữ ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn cao, tỷ lệ huy động người theo học các lớp xóa mù chữ thấp hơn so với số người còn mù chữ, số người tái mù chữ có chiều hướng gia tăng.

Theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc hiện nay còn 1,98 triệu người chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt. Các nhóm dân tộc thiểu số như Mảng, Lự, La Hủ có trên 50% dân số không biết chữ.

Tỷ lệ huy động người theo học các lớp xóa mù chữ rất thấp so với số người còn mù chữ; số người tái mù chữ gia tăng đáng kể. Việc học tập và ý thức tự học trong nhân dân chưa cao; nhiều nơi chưa coi trọng công tác đào tạo nghề và bồi dưỡng kỹ năng sống cho công nhân, lao động nông thôn. Chất lượng công tác đào tạo từ xa chưa cao, chưa theo kịp xu thế phát triển giáo dục của thế giới.

Học tập suốt đời ngày nay mở ra nhiều cơ hội học tập tốt hơn, có chất lượng hơn gắn liền với giáo dục mở với nền tảng để thực thi là chuyển đổi số, công nghệ số. Đổi mới cách dạy, học và khuyến khích tự học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain, trí tuệ nhân tạo, 5G…; khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số là những vấn đề đặt ra đối với giáo dục Việt Nam nói chung và xây dựng xã hội học tập nói riêng. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong giáo dục phải trở thành một nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu để triển khai hiệu quả việc xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới

THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Mới đây, ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 14/CT-TTg về “Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, đặt ra yêu cầu đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các địa phương; rà soát, hoàn thiện quy chế kiểm tra, công nhận kết quả học tập giáo dục thường xuyên. Huy động đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành giáo dục chủ động, tích cực tham gia xây dựng và khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở và tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nghiên cứu đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả và tổ chức thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng trong cả nước....

Để thực hiện được các mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm đáp ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời. Xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người bị thiệt thòi.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, qua hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác; lồng ghép trong các hoạt động, sự kiện liên quan như: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời và Ngày Sách Việt Nam hằng năm. Vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân xây dựng, duy trì thói quen tự học, ý thức học tập suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân.

Thứ hai, đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục. Chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng trong các cơ sở giáo dục đại học. Đa dạng nội dung giáo dục, đào tạo; đổi mới phương thức học tập và tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập, đặc biệt là các phương tiện truyền thông xã hội trong tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng kho học liệu mở phục vụ tự học và học tập suốt đời trên hệ sinh thái truyền hình giáo dục Việt Nam. Áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận công nghệ, quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu lớn.

Thứ ba, nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập: thành lập Tiểu ban chuyên trách chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở Trung ương; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở địa phương; khen thưởng, tôn vinh, ghi nhận các cá nhân tiêu biểu, tổ chức có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kịp thời biểu dương những mô hình hay, phong trào hoạt động tốt về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để lan tỏa, nhân rộng trong toàn xã hội; xây dựng và triển khai có hiệu quả chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài nước tham gia thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; huy động các doanh nghiệp, tổ chức tham gia hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho công nhân, người lao động, tham gia mở các lớp học, các cơ sở dạy nghề dành cho các đối tượng thiệt thòi, yếu thế; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài phục vụ cho các hoạt động học tập suốt đời, hỗ trợ người lao động trong học tập, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên.

Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật học tập suốt đời tạo hành pháp lý đồng bộ với Luật Giáo dục và các luật khác có liên quan vừa mới được ban hành trong thời gian gần đây. Rà soát, hoàn thiện quy chế kiểm tra, công nhận kết quả học tập giáo dục thường xuyên; tạo cơ chế liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc, bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Rà soát các quy định theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định chưa thực sự tạo sự liên thông giữa các trình độ đào tạo nhằm huy động, tạo điều kiện cho các loại hình cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy nghề nghiệp và tham gia giảng dạy văn hóa giáo dục phổ thông góp phần thực hiện tốt, hiệu quả hình thức liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

Thứ năm, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng gắn với xóa mù chữ và dạy nghề ngắn hạn trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, chú trọng đối tượng là người mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đổi mới cách phổ biến kiến thức, giáo dục kỹ năng sống và các kỹ năng cơ bản khác cho người dân trong cộng đồng.

Tiếp tục phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sâu và rộng hơn trong cả nước, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác nhằm thúc đẩy việc học tập trong mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã học tập thông qua việc đẩy mạnh liên kết, trao đổi, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ, phát triển và khai thác tài nguyên giáo dục mở và giáo dục từ xa, trực tuyến phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tiếp tục tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế và các nước có nhiều kinh nghiệm về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đặc biệt là các nước trong cộng đồng ASEAN, các nước thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) và UNESCO. Chủ động, tích cực tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” do UNESCO điều hành.

Có hướng dẫn để các cơ sở giáo dục mở rộng, tăng cường liên kết đào tạo với những cơ sở giáo dục của nước ngoài có uy tín, đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo. Có cơ chế, biện pháp tạo điều kiện vận động, khuyến khích đội ngũ trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp với hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

Bên cạnh những nỗ lực của các tổ chức, hệ thống chính trị, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại./.



Nguồn Tạp chí Tuyên giáo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Phát huy tinh thần chiến đấu, thể dục thể thao trong toàn thể lực lượng

Phát huy tinh thần chiến đấu, thể dục thể thao trong toàn thể lực lượng

(ANTV) - Việc tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thể dục, thể thao và điều lệnh, quân sự, võ thuật là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Đại hội khỏe vì an ninh Tổ quốc lần thứ IX là sự kiện thể thao quan trọng, được tổ chức nhằm phát huy tinh thần thể dục, thể thao trong toàn thể lực lượng. Các chiến sĩ công an tham gia đầy nhiệt huyết, với tinh thần thể thao cao thượng, qua đó góp phần lan tỏa lối sống khỏe mạnh và đoàn kết trong cộng đồng.

Thư viện Ảnh

Mới nhất