Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, trong 02 ngày 24 và 25/10/2024, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã tiếp nhận giảng viên của Đại học Cảnh sát Luân Đôn sang giảng dạy tại Học viện và tổ chức Tọa đàm về phương pháp giảng dạy tiên tiến trong các cơ sở đào tạo Cảnh sát, cơ quan thực thi pháp luật dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên Vương quốc Anh.
Các hoạt động nêu trên nằm trong khuôn khổ Chương trình Giảng viên thỉnh giảng năm 2024 được triển khai theo Bản ghi nhớ (MOU) giữa Học viện CSND và Đại học Cảnh sát Luân Đôn về hợp tác đào tạo Cảnh sát và nghiên cứu khoa học. Trong 02 ngày triển khai Chương trình, Ông Stuart Hyde, chuyên gia của Đại học Cảnh sát Luân Đôn đã tham gia giảng dạy cho lớp học kỳ trao đổi quốc tế gồm học viên các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ và Việt Nam.
Tại lớp học, Ông Stuart Hyde đã chia sẻ kinh nghiệm của Cảnh sát Vương quốc Anh và hướng dẫn học viên thực hành khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai người bị hại, thu thập, bảo quản chứng cứ là dữ liệu điện tử, giám định kỹ thuật số phục vụ công tác điều tra vụ án hình sự. Bên cạnh đó, học viên lớp học đã được thực hành bài tập ứng phó với tình huống bị tấn công trên không gian mạng và xử lý khủng hoảng. Qua các buổi học, giảng viên của Đại học Cảnh sát Luân Đôn đánh giá cao tinh thần ham học hỏi của các học viên lớp học kỳ trao đổi quốc tế, đặc biệt đối với sự hào hứng, tích cực của học viên đến từ 04 nước trong việc tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức mới theo kinh nghiệm quốc tế.
Theo Chương trình, chiều ngày 25/10/2024, Học viện CSND đã tổ chức Tọa đàm về “Phương pháp giảng dạy tiên tiến trong các cơ sở đào tạo Cảnh sát, cơ quan thực thi pháp luật dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên Vương quốc Anh” do đồng chí Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng - Phó Giám đốc Học viện và Ông Stuart Hyde đồng chủ trì. Tọa đàm được tổ chức hoàn toàn bằng tiếng Anh và có sự tham gia của các đại biểu là giảng viên giảng dạy tiếng Anh và các môn chuyên ngành, cán bộ quản lý giáo dục các trường Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND), Đại học Phòng cháy - Chữa cháy, Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND, Cao đẳng CSND I.
Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, Ông Stuart Hyde đã chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong xây dựng giáo án lấy người học làm trung tâm, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ phục vụ hoạt động giảng dạy, các phương pháp giảng dạy tích cực. Tại Tọa đàm, các đại biểu đến từ các trường CAND đã tập trung làm rõ những thuận lợi cùng khó khăn, vướng mắc của các phương pháp giảng dạy hiện đang được áp dụng trong chương trình học các môn chuyên ngành và ngoại ngữ tại các trường CAND. Từ đó, các đại biểu đã tích cực tham gia hỏi đáp, trao đổi với giảng viên của Đại học Cảnh sát Luân Đôn để nghiên cứu cải tiến, ứng dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến trong các trường CAND trong thời gian tới.
Chương trình Giảng viên thỉnh giảng đã diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Học viện CSND và Đại học Cảnh sát Luân Đôn, trở thành nền tảng vững chắc để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác thường niên trong khuôn khổ MOU giữa hai nhà trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc tổ chức Tọa đàm với sự tham gia, trao đổi tích cực của các đại biểu đã thể hiện sự chủ động của các trường CAND để bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục phục vụ công tác chuyên môn, sẵn sàng làm việc trong môi trường quốc tế.
Một số hình ảnh trong thời gian triển khai Chương trình: